Văn bản nghị luận là loại văn bản dùng lý lẽ, dẫn chứng để trình bày, giải thích, hoặc bảo vệ một quan điểm. Đặc điểm nổi bật của văn bản nghị luận là tính logic, lập luận chặt chẽ, và tính thuyết phục cao.Trong dạy học Ngữ văn, việc giúp học sinh hiểu sâu và nắm chắc nội dung của văn bản nghị luận luôn là một thách thức. Loại văn bản này đòi hỏi học sinh phải tư duy logic, phân tích và tổng hợp thông tin một cách chặt chẽ.
Trong khi đó, sơ đồ tư duy (Mind Map) là một phương pháp tổ chức thông tin bằng cách sử dụng các từ khóa, hình ảnh và màu sắc để thể hiện mối quan hệ giữa các ý tưởng. Trung tâm của sơ đồ thường là một chủ đề chính, từ đó các nhánh phụ được mở rộng để làm rõ từng nội dung.
Có thể khẳng định rằng: Sơ đồ tư duy là một công cụ hữu hiệu trong giảng dạy, phù hợp với việc dạy đọc hiểu văn bản nghị luận vì: giúp hệ thống hóa, trực quan hóa luận đề, các luận điểm, lí lẽ, dẫn chứng trong văn bản nghị luận các luận điểm, luận cứ; tăng cường khả năng phân tích, tổng hợp, khơi gợi hứng thú học tập thông qua cách trình bày sinh động, hỗ trợ học sinh nắm bắt kiến thức một cách dễ dàng, sinh động và sáng tạo hơn. Vì vậy, chuyên đề “Vận dụng sơ đồ tư duy trong dạy đọc hiểu văn bản nghị luận” mang ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy Ngữ văn. Sau khi tổ nhóm tích cực xây dựng nội dung chuyên đề và lựa chọn thực hiện trên khối lớp 8, cô giáo Lê Thanh Dung và các em học sinh lớp 8A5 thực hiện tiết dạy minh họa TIẾT 62: THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU: CHIẾU DỜI ĐÔ
Tiết dạy minh hoạ đã thể hiện được đầy đủ các ý tưởng mà nhóm chuyên môn đã xây dựng với mong muốn áp dụng mục tiêu cơ bản đáp ứng cho đối tượng học sinh lớp đại trà là: Nhận ra đặc điểm cơ bản của thể loại chiếu và phân tích được hệ thống luận đề,luận điểm, lí lẽ, bằng chứng thể hiện trong văn bản “Chiếu dời đô”. Thấy khát vọng của nhân dân ta về một đất nước độc lập, thống nhất, hùng cường và khí phách của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh. Kế hoạch bài dạy đã thể hiện rõ các hoạt động, đặc biệt với phần: Hình thành kiến thức mới, học sinh đã tích cực chia sẻ phần chuẩn bị ở nhà phần tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm; trình tự lập luận của văn bản nghị luận “Chiếu dời đô” dưới hình thức sơ đồ tư duy. Từ đó, học sinh dần chiếm lĩnh kiến thức mới.
Trong quá trình dạy đọc hiểu văn bản nghị luận, quy trình vận dụng sơ đồ tư duy được thể hiện rất rõ. Trước tiên, giáo viên giới thiệu nội dụng văn bản nghị luận, chỉ rõ mục tiêu đọc hiểu cần đạt được (tìm hiểu luận đề, luận điểm, lí lẽ, dẫn chứng, nghệ thuật lập luận). Tiếp theo, cô giáo đã hướng dẫn học sinh xây dựng sơ đồ tư duy (Phân tích nội dung văn bản, xác định chủ đề chính của văn bản, tìm ra các luận điểm, luận cứ, và dẫn chứng hỗ trợ). Trên cơ sở đó , học sinh sẽ sử dụng từ khóa, biểu tượng và hình ảnh vẽ sơ đồ tư duy(Trung tâm sơ đồ: luận đề chính, các nhánh lớn: Luận điểm chính, các nhánh nhỏ: lí lẽ và dẫn chứng). Học sinh có thể tự sáng tạo cách thể hiện sơ đồ tư duy, sử dụng màu sắc, ký hiệu để làm nổi bật các ý quan trọng. Trên lớp, cô giáo đã tổ chức cho học sinh làm việc nhóm, chia sẻ và thảo luận về sơ đồ tư duy của mình. Sau đó, giáo viên đã nhận xét, chỉnh sửa và bổ sung để hoàn thiện sơ đồ. Cuối giờ học đọc hiểu văn bản nghị luận, học sinh có thể ứng dụng sơ đồ tư duy để tóm tắt toàn bộ nội dung của văn bản “Chiếu dời đô”.
Sau tiết dạy minh hoạ, tổ nhóm chuyên môn cũng đã đánh giá, nhìn nhận lại các ưu điểm, tồn tại một số điểm cần rút kinh nghiệm như: Đảm bảo học sinh hiểu rõ cách xây dựng và sử dụng sơ đồ tư duy, lựa chọn văn bản nghị luận phù hợp với trình độ học sinh, kết hợp linh hoạt giữa sơ đồ tư duy và các phương pháp dạy học khác (thảo luận nhóm, trả lời câu hỏi). Tổ nhóm cũng thống nhất các giáo viên trong nhóm Ngữ văn áp dụng nhiều hơn sử dụng sơ đồ tư duy trong các tiết dạy. Sơ đồ tư duy mang tính thực tiễn cao, hỗ trợ giáo viên và học sinh đạt được hiệu quả tối ưu trong giảng dạy và học tập văn bản nghị luận. Học sinh có thể sử dụng sơ đồ này để hệ thống hóa bài học, ghi nhớ nội dung và áp dụng vào bài tập thực hành.Giáo viên cần tích cực áp dụng phương pháp này trong giảng dạy và khuyến khích học sinh tự thực hành để đạt hiệu quả cao nhất. "Hãy để sơ đồ tư duy trở thành người bạn đồng hành trên hành trình khám phá tri thức!"
Dưới đây là một số hình ảnh sinh hoạt chuyên môn xây dựng tiết học và một số hình ảnh của tiết dạy minh họa của cô giáo Lê Thanh Dung cùng lớp 8A5.