Dạy học phát triển năng lực là phương pháp được sử dụng đồng bộ với mô hình dạy học phát triển phẩm chất và năng lực, là phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm, giúp học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức, phát huy khả năng tự học, từ đó hình thành các năng lực cần thiết. Dạy học phát triển năng lực lấy cơ sở theo thuyết kiến tạo trong đó sử dụng các phương pháp hiện đại như dạy học giải quyết vấn đề, dạy học tự phát hiện, dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm, dạy học theo dự án, dạy học theo góc, dạy học khám phá…
Để dần đáp ứng với yêu cầu của phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. ngay từ đầu năm học, nhóm đã thảo luận và bước đầu đưa ra một số phương pháp nhằm phát huy năng lực học sinh trong giờ học âm nhạc.
Ví dụ: Đối với giờ học hát, ở phần giới thiệu bài hát, mục tiêu là để học sinhh nhận diện giai điệu, từ đó dễ học hơn, có thể tạo ra tình huống có vấn đề bằng cách cho học sinh xem tên bài hát và đặt câu hỏi: “Em đã bao giờ nghe bài hát này chưa? Em có thuộc bài hát này không?”. Ở cấp độ này, đòi hỏi học sinh suy nghĩ, nhớ lại, kết nối kiến thức cũ với tên bài hát để kiểm tra xem mình đã biết bài hát này hay chưa. Hoặc để đạt được mục tiêu cảm thụ âm nhạc, hiểu biết về bài hát trước khi học hát, cho học sinh xem/nghe bài hát và có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi đưa học sinh vào tình huống có vấn đề về tính chất âm nhạc của bài hát, nội dung bài hát, về nhạc sĩ sáng tác…: Hãy nêu cảm xúc của em, “Bài hát nói về điều gì”…
Trong hoạt động gõ đệm cho bài hát, bài tập đọc nhạc, giáo viên cũng có thể nêu ra vấn đề để học sinh phát hiện. Ví dụ khi gõ đệm cho bài hát Mùa thu ngày khai trường, giáo viên có thể đưa ra vấn đề: Tiết tấu của âm hình này có ô nhịp nào khác biệt? Học sinh xem giáo viên thực hành mẫu, học sinh luyện tập làm theo và tự phát hiện, phát hiện được điểm khác biệt thì học sinh sẽ luyện tập theo rất nhanh và đúng…Đưa một số hình thức gõ đệm mới vào bài hát, bài tập đọc nhạc như; Bộ gõ cơ thể, sáng tạo thêm một số tiết tấu, câu hát đệm cho bài hát, bài tập đọc nhạc…
Tiết học ôn tập âm nhạc (tiết 8) là tiết giúp học sinh hệ thống toàn bộ kiến thức và kỹ năng đã được học từ đầu năm gồm kiến thức về nhạc lí, các bài hát và các bài tập đọc nhạc. Muốn tiết học này đạt hiệu quả, đòi hỏi người giáo viên phải có phần hướng dẫn giao nhiệm vụ học tập (bài tập về nhà) cho học sinh thật cụ thể, chi tiết.
Ví dụ: -Phần ôn tập nhạc lí, học sinh cần nắm vững kiến thức về gam thứ, giọng thứ, giọng la thứ.
-Phần ôn tập bài hát và tập đọc nhạc: Học sinh luyện tập theo nhóm, mỗi nhóm trình bày 01 bài hát, 01 bài tập đọc nhạc (gắp thăm) và thực hiện các yêu cầu như: Hát kết hợp bộ gõ cơ thể, đọc nhạc kết hợp gõ tiết tấu hoặc đánh nhịp…
Thực hiện tiết dạy ôn tập
Đối với tiết ôn tập, có rất nhiều phương pháp để thực hiện. Đ/c Dung đã lựa chọn tổ chức tiết học dưới hình thức cuộc thi âm nhạc với 4 đội thi. Cuộc thi được mang tên “Âm nhạc và tuổi hoa”. Cuộc thi có 2 phần: Phần 1 “Khám phá”, phần 2 “Chinh phục”. Sau cuộc thi, giáo viên tổng kết và trao thưởng cho những đội giành giải nhất, nhì, ba, khuyến khích của cuộc thi.
Đánh giá sau giờ dạy, nhóm năng khiếu nhận định tiết học đã đạt được mục tiêu đề ra, tiết học đã tạo được không khí sôi nổi, hào hứng, khích lệ được 100% học sinh tham gia.
Những điểm cần rút kinh nghiệm: Cần sắp xếp chỗ ngồi cho các đội chơi khoa học, hợp lý hơn.
Một số hình ảnh của tiết dạy.
Cô giáo trao thưởng cho các đội thi
Đội Đô
Đội Rê
Đội Mi
Đội Fa