Lịch sử nhân loại có những nhân vật trở thành huyền thoại, danh tiếng lẫy lừng của họ vượt mọi biên giới quốc gia, là thần tượng của nhiều thế hệ, một trong những nhân vật như thế chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của thế kỷ XX. Công lao và những cống hiến xuất sắc nổi bật nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam thể hiện trên lĩnh vực quân sự với những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sinh ra từ vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong Võ Nguyên Giáp ý chí sôi sục và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1925, khi còn là học sinh, do sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc học Huế; tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (năm 1927); tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế (năm 1930). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, Đồng chí được trả tự do. Khi ra tù, mất liên lạc với tổ chức, Đồng chí ra Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học Luật và Kinh tế.
Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.
Tháng 12/1944, đồng chí được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó, đồng chí đã chỉ huy Đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy cả chín chiến dịch lớn, trong đó Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất. Là người cầm quân rất cẩn trọng trong so sánh tương quan lực lượng, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc đầu ta xác định phương châm tác chiến "đánh nhanh, thắng nhanh". Nhưng sau nhiều ngày cân nhắc, suy nghĩ, để bảo đảm thắng lợi và tổn thất tối thiểu cho chiến sĩ, đồng chí đã quyết định chuyển phương châm thành "đánh chắc, tiến chắc". Đây chính là nghệ thuật đánh lâu dài để chuyển hóa so sánh lực lượng khi lực lượng của ta còn nhỏ yếu. Và pháo đài "bất khả chiến bại" của thực dân Pháp đã bị đánh tan tác, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này. Quyết định thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa và tầm vóc vượt xa các chiến dịch trước về nhiều mặt, càng khẳng định tài thao lược xuất chúng của vị Tổng Tư lệnh. "Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp" luôn là cụm từ được mỗi người dân Việt Nam cất lên với lòng tự hào, kính trọng mỗi khi nhắc tới sự kiện lịch sử trọng đại này.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng tiếp tục cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đã có biết bao công trình nghiên cứu, bài báo, cuốn sách, cuốn phim về Võ Nguyên Giáp với niềm say mê, ngưỡng mộ, kính trọng và cảm phục của các tác giả. Trong cuốn "Những vị tướng lừng danh", tác giả Duncan Townson đã nhận xét rằng: "Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzo, Zhuko,… những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh." Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Currey đã nhận xét về Võ Nguyên Giáp: "Ông không chỉ trở thành huyền thoại mà còn là một trong những vị tướng tài năng nhất về chiến tranh nhân dân và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại…".
Đại tướng đã về với đất mẹ yêu thương nhưng những chiến công lịch sử, những công lao vĩ đại của Võ Nguyên Giáp sẽ mãi đọng lại trong ký ức của mỗi người Việt Nam. Kỉ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng (25/8/1911-25/8/2021), cũng là dịp để mỗi chúng ta ôn lại cuộc đời và những cống hiến lớn lao của Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam, đồng thời tích cực học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng những hành động và việc làm thiết thực.