Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 năm nay sẽ nhằm vào Chủ nhật ngày 10/4/2022 Dương lịch.
Ngày giỗ tổ Hùng Vương
Vì sao giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 Âm lịch?
Vì sao người Việt tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 Âm lịch, phải chăng đây là ngày kỵ của vị vua nào đó thuộc triều Hùng?
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, còn có tên khác là Lễ hội Đền Hùng hay Quốc giỗ, là ngày hội truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10/3 âm lịch tại Đền Hùng, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong lịch sử
Theo lịch sử ghi chép từ thời hậu Lê, từ thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền. Nhân dân toàn quốc đều đến đây lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh tổ xưa. Ngày giỗ Hùng Vương được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam.
Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ Tổ vào ngày 10/3 Âm lịch. Đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.
Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ gửi công văn ghi ngày 25/7 phái quan hàng tỉnh của Phú Thọ lấy ngày mồng 10/3 Âm lịch để cử hành "quốc tế" hàng năm, các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.
Ngày giỗ Tổ 10/3 từ đó được áp dụng cho toàn quốc. Từ năm 2001, giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc lễ, được đưa vào ngày nghỉ theo Bộ luật Lao động.
Từ năm 2007, ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ. Lễ hội đền Hùng những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức. Các năm chẵn sẽ có quy mô ở các cấp trung ương. Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng...
Giỗ tổ Hùng Vương 2022 người lao động được nghỉ mấy ngày?
Theo Bộ luật Lao động năm 2019, Điều 112 khoản 1 mục e, đã liệt kê những các ngày lễ, Tết mà người lao động được nghỉ và được hưởng nguyên lương, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
“1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây:
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 Âm lịch).”
Trong Bộ luật Lao động năm 2019, khoản 3 Điều 111, nếu ngày nghỉ lễ và Tết trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc tiếp theo.
Vì ngày mùng 10 tháng 3 năm nay trùng vào Chủ nhật (10/4/2022), người lao động sẽ được nghỉ bù thêm 01 ngày vào thứ Hai, tức ngày 11/4/2022. Do đó, bạn sẽ có 03 ngày nghỉ liên tiếp từ thứ Bảy ngày 9/4/2022 đến thứ Hai ngày 11/4/2022.
Tìm hiểu về ngày giỗ tổ Hùng Vương
Nguồn gốc Ngày Giỗ tổ:
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hay còn gọi là “Lễ hội Đền Hùng” là một ngày lễ lớn của người Việt Nam, là ngày để tất cả mọi người đều tận hưởng được giá trị của sự bình yên và sự hi sinh của những người đã có công cùng các Vua Hùng dựng nước và giữ nước.
Như một niềm kiêu hãnh sâu trong tâm linh, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có truyền thuyết riêng cho nguồn gốc của mình và người Việt cũng có truyền thuyết riêng. Truyền thuyết “Con Rồng cháu tiên” kể lại rằng: vua Lạc Long Quân lấy vợ là Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, bọc trăm trứng nở ra một trăm người con – chính là tổ tiên của người Việt.
Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong con trưởng là Hùng Vương nối ngôi làm vua, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú ). Trải qua 18 đời vua Hùng, đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc, nền tảng văn hóa Việt và truyền thống yêu nước. Từ đó, đã sinh ra dân tộc Việt Nam anh hùng – một dân tộc chưa từng biết cúi đầu khuất phục bất kỳ một tên giặc ngoại xâm nào, kể cả những tên hùng mạnh nhất trên thế giới như Pháp và Mỹ.
Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa; đời vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 đã sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương.
Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 nhà vua chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.
Ngày 06/01/2001, chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngày 10 tháng 3 trở thành ngày Quốc Giỗ của cả dân tộc. Đến ngày 06/12/2012, giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi Tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc) công nhận: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sự công nhận của thế giới trước tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng chính là sự đánh giá tầm quan trọng bậc nhất việc một dân tộc luôn biết gìn giữ văn hóa nguồn cội trong “vòng xoáy” hội nhập.
Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Đây không phải là dịp chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở mỗi người Việt Nam phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, nguồn cội của tổ tiên.
Qua đó mỗi người không ngừng học tập, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước để xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước.
Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để mỗi người nhìn nhận lại những biến cố của đất nước qua các thời kỳ đồng thời đặt ra những nhiệm vụ mới cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước. Trải qua các thời kỳ thăng trầm khác nhau và để có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ công lao vĩ đại của cả một dân tộc anh hùng.
Ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Chắc hẳn câu ca dao trên đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, nhắc nhau về nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn của 18 đời Vua Hùng đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước chúng ta.
Bên cạnh đề cao tinh thần dân tộc, ngày Giỗ tổ Hùng Vương còn nhắc nhở chúng ta phải không ngừng học tập và rèn luyện đạo đức, nâng cao tri thức giúp nước dựng nhà. Có như vậy mới xứng đáng là “con Rồng cháu Tiên", tiếp nối thành tựu của tổ tiên năm xưa.
Đây cũng là ngày mọi người có dịp cùng nhìn lại trường kỳ biến cố của đất nước qua các thời kỳ, thúc đẩy cao hơn nữa tinh thần xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước.
Theo Điều 73 của Luật Lao động được sửa đổi và bổ sung vào năm 2007, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10/3 Âm lịch) chính thức là ngày nghỉ lễ được hưởng lương đối với người lao động. Từ đó, Giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức ở đâu?
Lễ hội đền Hùng diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Trước đó vài tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động như đâm đuống (đánh trống đồng) của người Mường, hành hương lên đền thờ và kết thúc vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch.
Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng
Nghi lễ của ngày giỗ tổ Hùng Vương
Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội:
- Lễ rước kiệu vua: Nghi thức này diễn ra bắt đầu từ dưới chân núi lên dần qua các đền trước khi đến đền Thượng. Lễ này sẽ được sắp xếp bao gồm các đội múa sư tử, đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, quan viên và nhân dân,...
- Lễ dâng hương: Đây là phần lễ dành cho tất cả mọi người. Người hành hương đến đây chủ yếu vì nhu cầu đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp hương trên đất Tổ gửi gắm những mong cầu của bản thân, mong được Tổ tiên phù hộ.
Nghi lễ tại lễ hội đền Hùng
Bên cạnh những nghi lễ trên thì phần hội với các trò chơi dân gian, những cuộc thi đấu cũng hấp dẫn không kém. Đó là cuộc thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy, thi hát xoan (tức hát ghẹo), thi kéo co,...
Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 hay còn gọi là lễ hội Đền Hùng, là ngày nghỉ lễ trên toàn quốc nhằm gợi nhớ cho thế hệ con cháu về công lao lập nước và giữ nước của 18 đời Vua Hùng ngày xưa. Hãy lưu ngay ngày Giỗ tổ Hùng Vương 2022 và lên kế hoạch cho dịp lễ năm nay nhé.