1. Người truyền cảm hứng ( Tác giả: Phạm Thị Hồng Minh)
Tôi còn nhớ như in cái cảm giác run run khi cất giọng hát bài “Ước mơ xanh” của tác giả Lê Giang trong lễ khai giảng đầu tiên bước chân vào nghề giáo. Cảm xúc ngọt ngào của những năm tháng được sống cùng “những đôi mắt tròn xoe”, tâm hồn “thơ ngây” luôn còn mãi trong tôi. Vậy mà đã 33 năm trôi qua.
“Hãy đếm tuổi của bạn bằng số bạn bè chứ không phải số năm. Hãy đếm cuộc đời bạn bằng nụ cười chứ không phải bằng nước mắt” (John Lennon). Câu nói của người nghệ sỹ đa tài, đoản mệnh vẫn luôn nhắc nhở tôi về lẽ sống. 33 năm qua đã cho tôi nhiều cơ hội được gặp gỡ, kết bạn. Mỗi người bạn đều có những nét đẹp, thu hút riêng để tôi luôn nhớ về họ. Và cô giáo Trần Thị Huyên là một người bạn, người đồng nghiệp tôi đã và luôn nhớ tới – người tạo nguồn cảm hứng, tạo động lực cho tôi sống hết mình với nghề giáo.
Tôi dậy văn còn Huyên dậy toán. Toán học với những con số khô khan. Nhưng với Huyên thì con số trở nên khác hẳn. Nó cũng vui buồn tâm trạng như cô vậy. Cho nên cô giảng bài thật dễ hiểu. Bọn trẻ như lũ chim non luôn há mỏ đớp từng miếng mồi ngon của chim mẹ truyền sang. Chưa bao giờ thấy cô cáu gắt cho dù bọn trẻ lười biếng hay chểnh mảng trong học tập. Lớp học của cô luôn vui vẻ bởi cô không mắng mỏ hay chê bai bọn trẻ. Cô động viên bọn chúng thật khéo. Làm bài đi nào sắp được về rồi. Vì thế cho nên bọn trẻ rất ham học.Gương mặt chúng thật tươi sáng nếu như làm đúng bài.
Toán là một môn học khó đối với học trò. Những dãy số sự biến đổi từ phép tính này đến kết quả không phải ai cũng yêu thích. Ngay cả đến những hình vẽ nếu không có sự chỉ dẫn cặn kẽ của cô thì bọn trẻ cũng không thể tự vẽ được. Nhưng khi học toán của cô Huyên mọi thứ cứ như được mở ra một cách nhẹ nhàng và dễ hiểu. Bọn trẻ hiểu bởi vì cách dậy của cô giúp các em nắm vững được bản chất của vấn đề. Cách dạy đúng phương pháp cộng vói sự kiên trì nhẫn nại của cô đã giúp học sinh hiểu bài nhanh chóng. Cô đã thổi được vào tâm hồn lũ trẻ một tình yêu đối với toán học. Không còn là những con số khô khan nữa mà dường như chúng cũng có tâm hồn bay bổng như lũ học trò nhỏ vậy. Những bài toán số đã giúp bọn trẻ trong cuộc sống rất nhiều. Từ việc yêu thích môn học cộng với sự miệt mài cố gắng học sinh lớp của cô ngày càng đạt được những thành tích cao trong những kỳ thi.
Bọn trẻ khi ra trường rồi chúng vẫn luôn trở về bên cô. Trong mắt của chúng cô là một người tuyệt vời. Không phải vì cô tài giỏi như những giáo sư tiến sĩ có học hàm học vị như bố mẹ của chúng đâu. Mà cô đẹp bởi sự chân thành và giản dị. Cô luôn yêu quý bọn chúng như một người mẹ. Những điều cô giảng thật dễ hiểu. Dù bọn chúng có làm sai nhiều cô cũng không mắng. Cô giảng đến cho kỳ hiểu thì thôi. Đến lúc đó cả cô và trò cùng nở những nụ cười rạng rỡ. Chúng cảm nhận được sự hiền dịu của cô đã làm nên một tình yêu đối với môn toán khô khan và đầy khó khăn. Chính vì yêu mến cô nên bọn chúng cố gắng học thôi. Và trên con đường thành công của bọn chúng luôn có hình bóng của cô. Khi vào cấp ba rồi chúng chỉ ước sao được trở về cấp hai. Vô tình nghe mấy tiếng thì thào của tụi trẻ ngoài cổng trường “chỉ có cô cấp hai mới yêu thương chăm sóc chúng mình tận tâm như vậy” mà lòng tôi như nở hoa, rộn rã. Thì ra học trò của chúng ta chúng trưởng thành quá rồi.
Còn gì vui hơn khi được học trò và phụ huynh luôn nhớ về mình với bao điều tốt đẹp. Cảm thấy tự hào và yêu cô bạn này biết bao. Và nếu bạn là tín đồ của chương trình “Cất cánh VTV1” thì bạn còn thấy cả hình ảnh của cô Huyên trong đó. Bởi trong thời kỳ đổi mới của đất nước người giáo viên cần thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại thì cô Huyên đã làm được như vậy. Luôn đi đầu trong công việc làm thế nào để học sinh hiểu bài nhanh nhất thông qua các phương pháp truyền tải mới nhất. Và đó cũng là điều khiến giáo viên trong trường chúng tôi ấn tượng với khả năng làm việc của cô. Cô chính là bệ phóng để giúp những ước mơ của các em học sinh trở thành hiện thực. Nhiều em học trò của cô đã được ghi tên vào những trường đại học danh tiếng và điều quan trọng nhất là chúng nhận được từ cô một tình yêu với cuộc sống và lòng đam mê công việc. Đó chính là thành công lớn nhất của người giáo viên. Còn tôi yêu quý Huyên không bởi bản tính hiền dịu một phong cách sống nhẹ nhàng chia sẻ hòa đồng với mọi người mà còn rất tâm hồn nữa. Trong những cuộc chia tay với các giáo viên nghỉ hưu lời phát biểu của cô làm chúng tôi ngạc nhiên. Những ngôn từ vừa văn hoa, bay bổng mà lại thấm đẫm tình người chung thủy. Đừng nghĩ rằng giáo viên toán là người khô khan bí từ nhé. Và tôi hiểu điều cô nói được xuất phát từ một tấm chân tình ấm áp cô luôn dành cho đồng nghiệp của mình. Tập thể giáo viên chúng tôi sẽ thật tự hào khi có một người luôn tận tâm với công việc chuyên môn, sống đoàn kết, chia sẻ và luôn yêu quý đồng đội như cô. Nếu như để viết về một tấm gương thì nghe nó hơi to tát. Nhưng để viết về một người giáo viên có sự lan tỏa thật sâu sắc và tốt đẹp tới mọi người thì đây chính là điều tôi nên làm. Giống như mong ước của cụ Bơ Men trong tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn O’Henry: “hãy viết một cái gì đó thật giản dị, thật tuyệt vời trong cuộc sống của chúng ta”. Rồi ngày mai đây, cuộc đời có bao điều biến đổi, tôi luôn mong cô vững vàng trong sự nghiệp trồng người của mình, mãi yêu nghề sư phạm, sống hết lòng vì nghề.
Và nếu bạn muốn trải nghiệm về như những điều tôi viết thì mời bạn đến trường tôi. Trường trung học cơ sở thị trấn Trâu Quỳ thân yêu với một tập thể giáo viên đoàn kết, luôn hết lòng vì công việc, sống chân tình như một gia đình vậy. Một tập thể có rất nhiều bông hoa đẹp và cô Huyên cũng chỉ là một bông hoa nhỏ bé khiêm nhường và đằm thắm. Và bạn sẽ cảm thấy tình yêu cuộc sống dâng trào trong lòng khi ngắm nhìn vườn hoa trường tôi, một không gian trong trẻo và tốt lành đang tỏa hương dâng cho đời những điều tốt đẹp nhất.
2. Bài viết của cô giáo Đồng Thị Liên
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo
Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền
Cô và mẹ là hai cô giáo
Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”
Chắc hẳn tuổi thơ chúng ta ai cũng đã từng hát vang lên những giai điệu thân thương này. Đó là lời bài hát “Cô và Mẹ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Những ca từ nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng rất sâu lắng. Để hiểu được sâu sắc về nó thì có lẽ cần phải có cái nhìn của người trong cuộc. Và hòa vào không khí hưởng ứng phong trào thi đua viết về tấm gương người tốt, việc tốt, tận tụy, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, tích cực thi đua “Dạy tốt – học tốt”. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một người rất bình dị như bao người bình dị khác nhưng đã khiến tôi rất ngường mộ bởi sự nỗ lực phấn đấu và giàu lòng nhân ái của người lái đò thầm lặng đưa các đàn em đến bên bờ hạnh phúc. Không ai khác, đó chính là cô giáo Nguyễn Thị Thúy.
Cô Tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội, chuyên ngành sư phạm Ngữ văn.Trong suốt 35 năm công tác với cương vị vừa là giáo viên giảng dạy vừa là tổ trưởng tổ Xã hội, cô đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp , tham khảo các loại tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức, kĩ năng của mình. Trong công tác cô luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của trường và ứng dụng nhạy bén những thành quả từ năm học trước để làm nên sự thành công của phong trào giáo dục trong nhà trường. Cô luôn thực hiện đổi mới trong giảng dạy, trong kiểm tra đánh giá học sinh, luôn phát triển năng lực học sinh, phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh trong tiết học. Thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn,, xây dựng chuyên đề đăng lên trường học kết nối, dạy học theo dự án, chủ đề và xây dựng hai chủ đề thao giảng cho tổ mỗi năm. Đặc biệt cô đã lồng ghép giáo dục kĩ năng sống, để giáo dục đạo đức giúp các em học sinh trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, cô còn hòa đồng, lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp, mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực, phát động phong trào, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Cô luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên trong tổ ham gia phong trào học tập, nâng cao trình độ chuyên môn , khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi giữa các giáo viên trong và ngoài tổ. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm, cô được đồng nghiệp yêu thương, học sinh quý mến.
Tôi muốn chia sẻ một điều rằng tôi rất may mắn có được nhiều cơ hội để làm việc và gần gũi bên cô. Quên sao được hình ảnh hai cô trò sau những giờ hướng dẫn học sinh giỏi, những câu chuyện cô kể về học trò đầy niềm tự hào và trăn trở, những tâm sự về kinh nghiệm giảng dạy trong sự nghiệp trồng người của cô. Đó là những bài học trong nghề đầu tiên tôi được nhận từ người cô đáng kính. Với tấm lòng chân thành ấy tôi nhận ra với cô tôi không chỉ là đồng nghiệp mà còn là người thân trong gia đình – một đứa con luôn nhận được sự yêu thương, chỉ bảo và giúp đỡ từ cô. Tấm gương sáng ấy với tôi không chỉ là hướng dẫn về chuyên môn mà đằng sau những câu chuyện đời cô kể tôi nghe, tôi tự nhận và rút ra bài học về cách ứng xử, cách sống cho chính mình.
Những năm trước, công tác giảng dạy còn nhiều khó khăn, vất vả.Với đặc thù về địa bàn dân cư, các em học sinh có những hoàn cảnh khác nhau, đa số các em đều là con nhà lao động, bố mẹ không có thời gian chăm lo đến các em. Là một cô giáo có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và sự nhiệt tình trong công tác dạy, rèn học sinh, cô luôn được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao cho những lớp học “khó nhằn”. Nhưng cô không hề nản lòng, ngược lại bằng sự đam mê với công việc, tình yêu thương với các trò, cô luôn là giáo viên hết sức tận tụy, chịu khó, tự học, tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp để tích lũy kiến thức chuyên môn cho bản thân. Không chỉ truyền đạt đến các em kiến thức trong sách vở mà còn thông qua bài học, cô truyền đạt kiến thức áp dụng thực tế. Để qua đó, hình thành nhân cách cho học sinh, để các em phát triển toàn diện. Cô luôn phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để kịp thời quan tâm sát sao đến các em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhờ đó, mà kết quả học tập của lớp cô chủ nhiệm ngày một tiến bộ, tỷ lệ học sinh khá giỏi và tỉ lệ học sinh đỗ vào cấp 3 luôn tăng lên hàng năm.
Quả thật, trong công tác giảng dạy cô đã găt hái được nhiều thành tích cao:
- Đạt danh hiệu lao động tiên tiến năm 1984 – 2016.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng kỉ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.
- Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Ngoài ra cô còn đạt giáo viên dạy giỏi bậc Trung học cấp thành phố, năm học 2013-2014 môn Ngữ văn. Bên cạnh công tác giảng dạy, cô Thúy còn luôn tích cực đi đầu tham gia vào các phong trào, các hoạt động đoàn thể. Giai đoạn 2004 -2008 cô là ủy viên ban chấp hành công đoàn trường và đạt nhiều thành tích cho nhà trường. Cô đạt nhiều thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi – lao động sáng tạo”.
Một điều đáng ghi nhận ở cô giáo Nguyễn Thị Thúy là ý chí luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nên dù ở vai trò, nhiệm vụ nào cô cũng luôn hoàn thành bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết. Trong những năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Thúy luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một người giáo viên về đạo đức, nghề nghiệp của một nhà giáo. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì sự bền bỉ… bởi học sinh ở lứa tuổi trung học cơ sở là lứa tuổi các em đang hình thành nhân cách, thay đổi tâm sinh lí, mỗi em lại có một tính cách khác nhau, có em thì rất hiếu động, tinh nghịch nhưng cũng có em lại trầm lắng, ít nói. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho học sinh thì cô giáo cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách đi đứng, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh đặc biệt là với các em… sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho các em noi theo.
Có thể nói, với tấm lòng tận tụy trong sự nghiệp “trồng người” cô giáo Nguyễn Thị Thúy đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục thành phố. Mặc dù cô đã về hưu, nhưng tâm huyết của cô vẫn còn mãi với nghề. Cô thật xứng đáng là một giáo viên tiêu biểu trong ngành, là tấm gương sáng, một cô giáo mẫu mực để tôi cùng các giáo viên và học sinh học tập, noi theo.