Cuốn sách giới thiệu cho bạn đọc bắt đầu từ những chặng đường lịch sử với các cuộc khảo cổ trên đất Thăng Long. Hẳn là mỗi người con đất Việt đều biết đến Hào khí Đông A, đến Hội nghị Diên Hồng, đến những con người tài hoa thượng võ thời Trần.
Ta lại gặp họ trong “Người Thăng Long” của Hà Ân.
Đọc “Người Thăng Long”, ta sẽ bị mê mẩn bởi nét tình tứ đến lạ lùng, cái tình từ những câu văn, cái tình tứ của từng ánh mắt người, tình anh em, tình yêu đất nước, ta sẽ cảm thấy yêu quê hương đến từng cành cây ngọn cỏ.
Những người con đất Việt được tác giả mô tả thật là đẹp, thật tài hoa, từ chàng trai lộ Đà giang Trịnh Mác – một chàng trai khôi vĩ dị thường, cái mũi dọc dừa sống sắc như đá đẽo, đôi mắt tròn to, mi mắt dài cong rậm rạp nom thâm trầm và đa cảm đồng thời cũng huyền bí như rừng núi nhưng cái miệng cười rất tươi để lộ hàm răng đều đặn to khoẻ và bóng láng đem lại vẻ đẹp khoẻ mạnh, trong sáng, thiên thần của tuổi mười bảy.
Hay, Đỗ Vỹ, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử, một hàn sĩ, một người Thăng Long, tài hoa, nghệ sĩ, đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt…
Trần Quốc Tảng ,vốn là một chàng trai quý tộc nhưng tính rất phóng khoáng, ưa thích cuộc đời lãng du đầy những bất ngờ ở bốn phương trời. Là một người văn võ toàn tài, Trần Quốc Tảng cứ một ngựa, một kiếm ngắn ăn mặc xuềnh xoàng đi lang thang khắp nơi. Xem hội, xem phong cảnh, vào núi sâu đàm đạo với các bậc cao tăng, ẩn sĩ hoặc uống rượu trong một cái quán giữa đường cùng với những kị sĩ du khách quen thói không nhà không cửa.
Trần Nhật Duật, ông hoàng Sáu Chiêu Văn với vẻ đẹp thanh tú, duyên dáng, lịch sự từ cách nói năng, cách chơi bời. Trần Nhật Duật đẹp một vẻ đẹp thư sinh mặc dù theo lề thói tộc họ, người ta đã buộc ông hoàng Chiêu Văn luyện tập võ nghệ từ khi còn nhỏ.
Chiêu Quốc vương – Trần Ích Tắc, có một dáng người và một vẻ mặt tuyệt đẹp. Mái đầu có một góc nghiêng kiêu sa khinh thị, Chiêu Quốc vương có một đôi mắt đẹp, đuôi mắt dài, màu đen thăm thẳm, những lúc Chiêu Quốc vương lim dim mắt, người ta có cảm giác như màn đêm phủ xuống không gian bí mật…Tác giả miêu tả ông là một người kiêu sa, tự phụ, “Trần Ích Tắc như một vì sao đã sáng nhưng vẫn khát vọng cả cái sáng của những vì sao khác. Và cái nhầm lẫn của y là y có cái sáng của một vì sao nhưng y cứ ngỡ đó là cái cái sáng và cái đức của vầng mặt trời”.
Chúng ta cũng không quên được nàng công chúa An Tư thông minh, xinh đẹp nghịch ngợm với ngón đàn bầu và tài chơi cờ cực phẩm.
Không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp của những con người tài hoa, đa dạng tích cách thuở ấy, ta còn được ngắm nhìn vẻ đẹp phố phường Thăng Long xưa, những hàng quán, trò chơi đánh phết đầy tinh thần thượng võ, những phong tục như hội thề Đồng Cổ, tiệc rượu mặt nạ mo nang, thưởng thức thứ rượu sủi tăm nổi tiếng, hay uống thứ trà có pha thêm gỗ cây mai già mọc trên núi đá châu Mai,…
Rồi cùng hòa mình vào nếp sống xưa, cùng Đức ông Trần Nhật Duật được ông già bến Đại Than mời ăn một bữa gỏi cá kỳ lạ và ngon nhớ đời, sau khi rượu say thì ngủ ngay trong khoang bè vó, gió sông ào ạt thổi ngoài mui mái, nước vỗ lóc bóc đầu bè, càng về khuya thiên nhiên càng thuộc về côn trùng và chim chóc. Tiếng chim vỗ cánh lưng trời, tiếng gió nỉ non, tiếng phi của rái cá ở vũng nhỏ cuối bè…và còn rất nhiều điều thú vị nữa đang chờ đón ta trong cuốn sách này.
Bạn đọc hãy đến thư viện nhà trường để cùng đọc cuốn sách này nhé!
Một số hình ảnh giới thiệu cuốn sách “Người Thăng Long” tại nhà trường
Các bạn lớp 9A4 giới thiệu sách "Người Thăng Long" tại sân trường