Trường THCS TT Trâu Quỳ
BÀI THAM LUẬN TẠI HỘI NGHỊ CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC
NĂM HỌC 2018 -2019
Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa các vị khách quý!
Thưa toàn thể hội nghị!
sau đây tôi xin được đóng góp với hội nghị bản tham luận “Một số mô hình dạy học đổi mới theo định hướng phát triển năng lực và sức sáng tạo của HS”
Chúng ta đã biết, Đổi mới phương pháp dạy học là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới giáo dục trung học hiện nay. Luật giáo dục (Điều 28) đã nêu: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui và hứng thú học tập choHS”.
Đổi mới phương pháp dạy học ở trường THCS là một quá trình phức hợp vì nó đòi hỏi phải tác động đến nhiều yếu tố khác nhau. Có thể thấy rằng chủ trương chuyển đổi cách tiếp cận chương trình giáo dục từ hướng cung cấp nội dung kiến thức sang cách tiếp cận hình thành và phát triển năng lực là một trong những đổi mới căn bản. Sự đổi mới căn bản này cần phải tiến hành một cách toàn diện ở tất cả các yếu tố của quá trình giáo dục: từ mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm tra, đánh giá…
Có thể hiểu năng lực là sự vận dụng tổng hợp nhiều yếu tố: kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, ý chí, kinh nghiệm và nhiều nguồn lực tinh thần khác để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Là người trực tiếp giảng dạy, chúng tôi nhận thấy sự đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh là sự đổi mới tích cực.
Năm học 2018-2019, được sự ủng hộ, định hướng của BGH, trường chúng ta đã triển khai CLB Toán-Tiếng Anh cho HS. Đây là một sân chơi kiến thức bổích cho những HS cóđam mê với môn Toán, có niềm yêu thích với Tiếng Anh. Mô hình CLB Toán-Tiếng Anh còn là hoạt động sinh hoạt tập thể, qua đó HS được tiếp cận, rèn luyện bản thân, hoàn thiện hơn về: khả năng tư duy, kĩ năng đọc hiểu, thuyết trình, bồi dưỡng thêm niềm say mê với môn học, khả năng tự học, tự nghiên cứu, phát triển thêm về phẩm chất và năng lực của bản thân.
Bên cạnhđó, Mô hình định hướng giáo dục STEM - giải pháp của ĐH Stanfor và ĐH Harvard – Mỹ, là một mô hình giáo dụcđã được chứng minh tính hiệu quả của nó trong vài năm gầnđây.
STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Giáo dục STEM là gì?
STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến (các lĩnh vực) khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Có thể nói, giáo dục STEM không hướng đến mục tiêu đào tạo để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay những kỹ thuật viên mà chủ yếu là trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay.
Giáo dục STEM tạo ra những con người có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ 21, đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và có thể tác động tích cực đến sự thay đổi của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa.
“Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và khả năng cạnh tranh trong nền kinh kế mới” (Theo Hiệp hội các Giáo viên dạy khoa học Mỹ-NSTA).
Có thể nhìn các thành tố trong Giáo dục STEM dưới góc nhìn phát triển năng lực của người học. Chẳng hạn, yếu tố “Kỹ thuật” trong Giáo dục STEM tạo ra năng lực kỹ thuật của người học thể hiện qua khả năng giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống bằng cách thiết kế các đối tượng, hệ thống và xây dựng các quy trình sản xuất để tạo ra chúng.
Để triển khai mô hình dạy học này trong năm học này, tôi xin đề xuất với hội nghị, cũng như BGH nhà trường:
- Tạo điều kiện cho GV được học hỏi, tham gia các buổi tập huấn về mô hình mới; được tiếp cận nguồn tài liệu về mô hình STEM; để qua đó GV chúng ta hiểu sâu hơn, định hướng tốt hơn về mô hình dạy học này và áp dụng phù hợp với điều kiện của trường ta.
- Công tác sinh hoạt tổ chuyên môn cùng nghiên cứu các dự án, các chủ đề STEM rất quan trọng. Các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học, kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
- Sau đó, chúng ta có thể thành lập CLB Khoa học – Kĩ thuật của trường, để tạo môi trường cho HS được tham gia, học tập, rèn luyện với mô hình giáo dục STEM mới. Với rất nhiều hoạt động dạy - học, các hoạt động trải nghiệm thú vị.
- Bên cạnhđó, thiết nghĩ rất cần tới sự chung tay, phối hợp của các tổ nhóm, sựđịnh hướng, tư vấn của BGH, sự đồng hành của các nhà tài trợ cho hoạt động dạy-học mới này.
Thiết nghĩ để làm tốt được những giải pháp trên chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.Năm học 2018-2019 là năm học đầu tiên nhà trường mớiđi vào triển khai các hoạt động dạy-học mới, sinh hoạt dưới mô hình như CLB Toán-Tiếng Anh, cũng như mô hình dạy học theo định hướng STEM. Đây đều là những hoạt động giáo dục mới (không chỉ với HS mà còn mới với chính GV của trường ta),đòi hỏi GV phải đầu tư hơn về thời gian, nghiên cứu tài liệu, bồi dưỡng chuyên môn, học tập các trường bạnđã triển khai thành công.
Khó khăn thì nhiều, song dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng sẽ cố gắng khắc phục, tích cực tìm tòi, sáng tạo để có phương pháp giảng dạy phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đổi mới hiện nay.
Kính thưa các đồng chí trên đây là một vài suy nghĩ của tôi về “Một số mô hình dạy học đổi mới theo định hướng phát triển năng lực và sức sáng tạo của HS”. Rất mong nhận được sự chia sẻ, góp ý của các đ/c về nội dung này.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Trường THCS TT Trâu Quỳ
BÀI THAM LUẬN TẠI HỘI NGHỊ CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC
NĂM HỌC 2018 -2019
Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa các vị khách quý!
Thưa toàn thể hội nghị!
Điều đầu tiên cho phép tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt, chúc cho năm học 2018 - 2019 gặt hái được nhiều thành công.
Qua nghe bản báo cáo tổng kết năm học 2017 - 2018 và dự thảo phương hướng, nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 mà đồng chí hiệu trường, … vừa thông qua, bản thân tôi hoàn toàn đồng tình và nhất trí cao.
Sau đây tôi xin phép được đại diện Tổ Tự nhiên trình bày báo cáo tham luận về “MỘT VÀI BIỆN PHÁP GIÁO DỤC HỌC SINH CÁ BIỆT TRONG CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM”.
Kính thưa hội nghị! Như chúng ta đã biết, HS cấp THCS là học sinh ở lứa tuổi quá độ để trở thành người lớn. Tâm sinh lí của các em phát triển rất phức tạp - muốn làm người lớn nhưng sức chưa đủ, không muốn mọi người xem mình là trẻ con, nhưng việc làm đôi khi rất trẻ con, nên việc giáo dục các em, đưa các em vào khuôn mẫu của nội quy trường, lớp quả là một việc làm không dễ.
Đối với HS ngoan, giáo dục các em theo khuôn mẫu đã khó, huống chi trong một lớp học đâu chỉ có những học sinh biết vâng lời mà mỗi lớp ít nhất từ 5 – 7 em HS cá biệt, có thể cá biệt về học tập, có thể cá biệt về nề nếp cũng có thể cá biệt cả học tập và nề nếp.
Phần lớn các em HS cá biệt thì có hoàn cảnh cũng hết sức cá biệt. Các em có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình (như hôm trước lớp tôi có 1 em môi bị tím, tôi hỏi lí do em nói bố em đánh. Tôi hỏi vì sao bố đánh con. Em nói con không biết, bố con cứ say rượu là đánh con,…), cũng có em thì bố mẹ ly thân, hoặc ly hôn (lớp tôi có 3 trường hợp), có em thì hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, bố mẹ chậm chạp hay mâu thuẫn (1 trường hợp), cũng có em là kết quả của sự nuông chiều của các gia đình khá giả hoặc là do bản thân các em ý thức kém, thiếu niềm tin (2 trường hợp) …
Còn biểu hiện cá biệt của các em cũng hết sức phức tạp như: thường xuyên vi phạm nội quy của trường, của lớp. Hình như với các em những nội quy đó không tồn tại trên đời, các em có thể nhiều lần không thuộc bài, không làm bài, không ghi chép bài đầy đủ. Dần dần dẫn tới các em có thể chán học, rồi bỏ học, tệ hơn là chơi với những nhóm bạn xấu, rồi gây gổ đánh nhau - thậm chí với các em cha mẹ là cái gai, còn thầy cô giáo là chướng ngại vật, các em vượt qua họ bằng những lời nói dối, bằng ngôn từ xúc phạm, bằng hành động vô lối … (Có em mẹ nhắc nhiều rồi nhưng con không tiến bộ, mẹ bảo bố nhắc nhở con, bố không nhắc, con càng không tiến bộ, mẹ chán, không biết trả lời cô giáo thế nào nên không phản hồi lại thông báo của GV, không biết nói gì với cô, mà chỉ tâm sự với phụ huynh cùng lớp).
Vậy mỗi thầy cô đứng trên bục giảng không chỉ làm nhiệm vụ mang lại tri thức cho các em mà phải giáo dục các em thành người và thành người lương thiện - đặc biệt là đối với các em HS cá biệt. Nói thì dễ mà làm chẳng đơn giản chút nào.
Hôm nay trong buổi hội nghị CBCNVC trường ta, tôi xin thay mặt cho các thầy cô giáo trong Tổ Tự nhiên góp một vài biện pháp mà Tổ tôi đã áp dụng và đã, đang, sẽ mang lại những hiệu quả nhất định.
- Tìm hiểu gia đình của HS cá biệt.
- Trao đổi với PH về tình hình của con để tìm thấy tiếng nói chung trong việc kết hợp giáo dục.
- Tìm hiểu tâm lý, nguyện vọng của các em bằng cách gần gũi, thân thiện, tâm sự hoặc bày tỏ niềm tin vào các em và hy vọng rằng các em cũng sẽ đóng góp để lớp thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
- Phải tin tưởng và giao nhiệm vụ cho các em.
- Động viên, khích lệ khi các em có chuyển biến dù là chuyển biến rất nhỏ.
- Xây dựng và phát huy tác dụng đôi bạn cùng tiến.
- Khoan dung thì rất khoan dung nhưng cũng phải vô cùng nghiêm khắc khi hành vi lặp lại nhiều lần và quá mức.
* VD1: Lớp tôi đang chủ nhiệm có 1 HS tên D (cho phép tôi không nói rõ tên em), các bạn cùng học từ Tiểu học, các PH có con cùng học, PH gần nhà em, các bạn đang cùng học với em đều nhận xét bạn D có tính tắt mắt. Qua tìm hiểu tôi biết hoàn cảnh gia đình em đặc biệt, kinh tế thì khó khăn, bố mẹ không hòa hợp thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, công việc không ổn định. Khi em lấy đồ của bạn, của hàng xóm hoặc trêu bạn, GV hỏi hoặc hàng xóm hỏi là em nhận lỗi ngay, không trối. Thời gian đầu, lớp tôi cũng có hiện tượng mất đồ dùng học tập như sách, bút, thước kẻ. Bằng nhiều biện pháp, ngay tuần 2 của năm học mới, tôi đã xếp em D ngồi cùng bàn với bạn lớp phó học tập, (tôi cũng đã xếp em D ngồi cạnh 1 số bạn khác nữa thì các bạn đều ý kiến xin đổi chỗ). Sang tuần 4, tôi đã gặp em lớp phó học tập trò chuyện để nắm được tình hình và cũng phân công công việc cho em. Em lớp phó đã khẳng định em chỉ thấy bút của em ở trong hộp bút của bạn D còn không thấy đồ của các bạn khác. Với em D cách đây 3 tuần tôi đã hẹn gặp riêng em sau tiết cuối. Đầu tiên tôi nói: “Cô muốn gặp riêng em, em có biết vì lí do gì không?” Em D ban đầu thưa không, tôi nói tiếp: “Em biết 1 số bạn trong lớp đang thưa cô bị mất đồ, có 1 số bạn nghi là em, nhưng cô đã đứng ra bảo lãnh khẳng định không phải là em. Và vì hoàn cảnh gia đình em khó khăn, cô đã đề xuất với các bác phụ huynh trong buổi họp CMHS đầu năm của lớp, cô cũng đã trao đổi với nhà trường và em đã được miễn giảm nhiều khoản đúng không? Em thấy cô rất quan tâm đến em đúng không? Em có muốn mình học trong 1 lớp học hay bị mất đồ, các bạn phải nghi ngờ nhau không?. HS D trả lời không ạ! Buổi nói chuyện hôm nay giữa cô và em, cô hứa sẽ không tiết lộ thông tin cho người khác. Lúc này em D đã thay đổi thái độ, đã thành thật kể lấy đồ gì, của những bạn nào. Tôi đã yêu cầu em viết bản tường trình và hứa không mắc lỗi nữa đồng thời trả lại đồ cho bạn đã lấy. (Tôi thấy thông tin em D đưa ra trùng với thông tin bạn lớp phó ở trên và tôi còn biết thêm được những thông tin khác). Tôi có nhấn mạnh: “Cô đặt niềm tin ở em, 1 lần này nữa thôi, có được không?” Em D trả lời có ạ! Và tôi đã giao nhiệm vụ cho em quan sát hiện tượng trong lớp, giúp cô, giúp các bạn, có thông tin gì báo lại cho cô. Từ hôm đó, tôi không còn nhận được ý kiến nào về việc mất đồ trong lớp nữa.
Tôi thấy ở trường ta các thầy cô giáo đều rất tuyệt vời, rất chân tình với HS. Có thể mỗi thầy cô có những biện pháp riêng nhưng đều cùng chung mục đích là giáo dục HS cá biệt tiến bộ và tôi cũng đã học hỏi được nhiều từ các thầy cô giáo trường ta trong công tác giáo dục HS cá biệt. Vì thế như các đồng chí thấy, số lượng HS cá biệt trường ta là không nhiều. Các thầy cô đều đánh giá là HS trường ta ngoan.
- Giáo dục lồng ghép, tích hợp các tiết sinh hoạt lớp và các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, tiết KNS …
* VD: Trong giờ sinh hoạt lớp, qua việc sơ kết tuần, GV có thể giáo dục tính trung thực, thẳng thắn, giáo dục các em có tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, đối với tập thể. Hoặc qua việc tham gia các hoạt động tập thể để rèn luyện kỹ năng sống hòa đồng với tập thể, gạt bỏ thái độ mặc cảm, tự ti.
Thực ra trong sâu thẳm, các em HS cá biệt có một tâm lý vô cùng hụt hẫng. Bên ngoài các em rất bướng bỉnh và bất cần nhưng thật ra các em rất trông chờ ở sự quan tâm, vỗ về, khuyến khích của mọi người xung quanh, của bạn bè, của thầy cô. Những khi được động viên kịp thời, chỉ 1 lời khen nho nhỏ thôi VD khi tôi nói trước lớp bạn HS A lớp mình mặc dù mắc lỗi nhiều nhưng khi bạn tập trung, bạn tiếp thu bài được vì thế bài KT vừa rồi của bạn đạt kết quả đáng khen. Tôi nói tiếp với HS A: vậy là nếu em cố gắng, cô tin chắc em sẽ tiến bộ. Tôi thấy ánh mắt em sáng hẳn lên, em gật đầu, em tự tin hơn và trong 1 số giờ học gần đây em tích cực hơn đặc biệt trong tiết học hôm đó.
Trên đây là bài tham luận của tôi về “Một vài biện pháp giáo dục HS cá biệt trong công tác chủ nhiệm”. Chắc chắn bài tham luận vẫn còn có những thiếu sót, rất mong được sự đóng góp ý kiến của thầy cô và các bạn đồng nghiệp để bài tham luận được hoàn thiện hơn.
Cuối cùng xin kính chúc các vị đại biểu, các thầy cô giáo sức khỏe, hạnh phúc, chúc hội nghị thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!
Trâu Quỳ, ngày 11 tháng 10 năm 2018
Người viết